Bài viết

Đam mê để tạo ra những công trình mơ ước

“Yêu nghề để yêu đời và yêu người” - đó là 'chất lửa' mà KTS. Phạm Vũ Thương Nhung đang giữ và truyền cho mỗi kiến trúc sư của mình trong mái nhà TONA. Tạp chí Vật liệu xây dựng đã có buổi trao đổi với người chèo lái con thuyền chở mơ ước ấy để hiểu hơn công việc thú vị của những kiến trúc sư đam mê nghề.

PV: Chào chị, được biết trong thời gian gần đây TONA đang thực hiện một số dự án lớn, chị có thể giới thiệu một số nét đặc biệt của các dự án này?

         KTS. Phạm Vũ Thương Nhung: Trước tiên, tôi muốn hiểu 'dự án lớn' ở đây theo nghĩa nào, về tài chính - giá trị hợp đồng; quy mô, tính chất công trình hay yêu cầu 'chất xám' ?. Với tôi, TONA đang trưởng thành bởi sự đa dạng của các dự án và trong từng dự án. Gần đây, chúng tôi được thực hiện một số dự án mang tầm quốc gia, thậm chí là quốc tế, cộng sinh với nó là các dự án gần gũi cuộc sống và trở thành sản phẩm thực tế trong một thời gian ngắn.

         Tôi muốn nhắc đến dự án QHCT 1/500 Khu Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị). Khi nhận dự án, nhiệm vụ quy hoạch chúng tôi đặt ra là tạo nên không gian giới hạn trong ngoài thể hiện tính chủ quyền; một hình ảnh nhận diện mang tính quốc gia, tính địa phương; ngoài ra, không gian  tính 'đóng' đảm bảo an ninh quốc phòng đồng thời mang tính 'mở' phát triển giao thương. Để có được ý tưởng quy hoạch mang tính thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ trên, tính kết nối được chú trọng, phạm vi nghiên cứu buộc phải rộng ra, các yếu tố hiện trạng được phân tích đánh giá kỹ lưỡng nhằm định vị vị thế, tính chất cũng như đối tượng phục vụ của khu vực nghiên cứu. Việc làm này đưa đến cho TONA một dự án khác lớn hơn - QHC 1/10.000 thị trấn cửa khẩu LaLay, huyện Đakrông, là đô thị loại 5 với đầy đủ chức năng đô thị (giảm tải cho đô thị huyện lỵ thị trấn Krông Klan hiện  hữu), ngoài ra đô thị này phải đảm bảo chức năng đô thị cửa khẩu, thêm vào đó là chức năng du lịch sinh thái khám phá khai thác các yếu tố tự nhiên hiện trạng và góp phần thúc đẩy tính giao thương cho đô thị cửa khẩu. Dự án QHCT Khu Cửa khẩu Quốc tế thành một dự án thành phần của dự án QHC đô thị Lalay. Điều đặc biệt là với tính cấp bách và yêu cầu tiến độ của dự án, chúng tôi nghiên cứu, thực hiện hai dự án song song đồng thời chạy đuổi với sự thay đổi hiện trạng của dự án san lấp bãi chờ xuất, chờ nhập phục vụ nhu cầu hiện tại của khu vực. Điều này thực sự là một trải nghiệm thú vị cho những người làm nghề quy hoạch được nhìn thấy sản phẩm của bài toán dự báo cho 20, 30 năm, tầm nhìn 50 năm lại đang trở thành hiện thực từng tháng, từng tuần ngay trong quá trình nghiên cứu.

         Hay như dự án QHC đô thị huyện lỵ Nậm Pồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, đây là huyện Biên giới có vị trí chiến lược trọng điểm quốc gia về an ninh quốc phòng, tính cấp bách của dự án đẩy sản phẩm đồ án QHC kỹ lưỡng gần như đồ án QHCT và một lần nữa, chúng tôi lại có được cảm xúc chứng kiến một sản phẩm quy hoạch đang dần ra thực tiễn.

         Còn như trong dự án Quy hoạch Khu đô thị mới Nam An Lộc 442ha (thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) lại đem đến một trải nghiệm khác, quá trình thực hiện nghiên cứu từ QHC, đến QHPK, rồi QHCT kéo dài hơn 3 năm cùng với sự hình thành dần hình hài đô thị, chứng minh nhận định về sự kết nối trong mối liên hệ vùng, tính chất, quy mô đô thị và đối tượng phục vụ đưa ra trong dự báo là tương đối hợp lý, điều này làm chúng tôi tự tin hơn về phương pháp luận nghiên cứu và cách thức tiếp cận dự án của mình.

         Việc được tham gia nghiên cứu những dự án có tính thời sự, cấp bách và có tầm vóc giúp cuộc sống làm nghề của TONA có ý nghĩa hơn với cảm giác đang sống cống hiến, được đóng góp vào sự phát triển chung xã hội. Điều này làm chúng tôi yêu nghề và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.

Những dự án có tầm vóc như vậy là niềm mơ ước của những người làm nghề kiến trúc, nhưng chắc chắn là một thách thức lớn. Vậy động lực và phương thức nào khiến TONA quyết tâm thực hiện?

         Mỗi dự án đến với chúng tôi như là cái duyên nghề, chúng tôi luôn đón nhận đầy hứng thú, ngay cả những việc mang tính đặc thù cao thậm chí chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn để áp dụng thiết kế. Với lại xét cho cùng, bất cứ công việc gì khi làm nghiêm túc, tỉ mỉ cũng không bao giờ là dễ dàng, chính những cái khó, cùng với việc nỗ lực đi đến cùng các dự án đem đến ý tưởng tốt. Vừa qua, TONA thực hiện cải tạo một phần Công viên 23/9 (Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh) - một công viên hấp dẫn ngay giữa trung tâm thành phố, mang nhiều yếu tố lịch sử văn hóa. Thực tế, dù chỉ được giao nghiên cứu một phần công viên nhưng chúng tôi cũng đã vẽ ra bản quy hoạch tổng thể hình hài công viên trong mơ của mình như một thể nghiệm quan niệm về kiến trúc xanh, 'chơi' cùng các vật liệu thân thiện môi trường, cụ thể hoá một lời kêu gọi bảo vệ môi trường. Với phần được giao nghiên cứu chi tiết, chúng tôi đề xuất sử dụng các kiot container, đây không phải là ý tưởng mới trên thế giới nhưng với cách bố cục nghệ thuật, khoa học, thêm chút sáng tạo trong sử dụng màu sắc như hệ thống ký hiệu nhận diện công năng và một số chi tiết gắn với lịch sử nơi chốn làm nên một không gian sắc màu, sầm uất gợi không khí 'Hòn ngọc Viễn Đông' xưa. Chúng tôi làm nghề như thế, yêu thích, nhiều kỳ vọng, đó có phải là động lực hay phương thức không?

Vậy những yếu tố nào TONA quan tâm nhất khi nghiên cứu một dự án?

         Yếu tố đầu tiên chúng tôi quan tâm là vị trí và các điều kiện hiện trạng của khu vực nghiên cứu. Mỗi nơi đều mang đặc điểm nhận diện, đặc trưng vùng miền. Các điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái ngấm dần thành văn hoá bản địa. Việc 'đọc địa điểm' quyết định lớn đến thành bại của dự án. Đây là lợi thế của TONA vì phần lớn chúng tôi được đào tạo bài bản từ các nước phương Tây.

         Địa điểm góp phần xác định đối tượng sử dụng, cùng với chủ đầu tư định hình công năng sử dụng của công trình để xây dựng nên nhiệm vụ thiết kế là bước tiếp theo để thực hiện dự án. Với TONA, sản phẩm thiết kế tốt chỉ có thể được đề xuất trên cơ sở một nhiệm vụ thiết kế hợp lý, khoa học.

         Yếu tố thứ ba không thể vắng bóng trong các thiết kế là cảm xúc. Chỉ những không gian có cảm xúc mới khiến người ta muốn đến, muốn lưu lại và quay lại. Hơn nữa, đây cũng là một góc nhỏ để chúng tôi trưng diện một chút 'cái tôi', giữ chân chúng tôi lại với cái nghề này.

         Nếu bạn có thời gian, chúng tôi xin giới thiệu về dự án thiết kế nội thất toà nhà Tổng công ty 789 - Bộ Quốc Phòng tại 147 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Toà nhà 27 tầng chức năng hỗn hợp, nhiều không gian đặc biệt (có cả sân bay), yếu tố vị trí đặc biệt, chủ đầu tư sắc sảo, kỹ lưỡng, gu thẩm mỹ cao và đòi hỏi phong cách làm việc chuyên nghiệp, đảm bảo tiến độ đặt ra đề bài tương đối độc đáo. Dự án này đem lại cho chúng tôi nhiều bài học, đặc biệt đây là một minh chứng cho sự thành công có được từ phương pháp luận nghiên cứu bài bản và hội tụ tương đối đầy đủ ba yếu tố tôi đề cập đến ở trên.   

Những khó khăn chị gặp phải khi đi thực địa cho mỗi dự án là gì?

         TONA luôn coi việc đi thực địa là quan trọng và cần thiết. Khi nhận một địa bàn, đầu tiên chúng tôi thực hiện việc nghiên cứu hiện trạng trên bản nền được cung cấp, sơ phác ý tưởng và đặt câu hỏi kiểm tra hiện trạng. Nắm bắt thực địa là việc khó và không phải lúc nào cũng đem đến câu trả lời làm hài lòng các ý tưởng thiết kế đã định hình. Hiện trạng không chỉ là điều kiện tự nhiên khí hậu, địa hình, địa chất thuỷ văn mà còn là điều kiện văn hoá, yếu tố con người, văn hoá vùng miền, tập quán địa phương. Những kiến trúc sư phải thật sự trải lòng với cư dân bản địa, ăn chung, ở chung với họ mới hiểu được họ muốn gì, cần  gì. Những chuyến đi đem đến nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều cảm xúc, còn khó khăn thì phải khỏi phải nói, 'mọi thứ đều có giá của nó mà'.

Để lại dấu ấn qua nhiều dự án, đạt được những thành công nhất định, vậy TONA có tạo cho mình phong cách riêng để khách hàng nhận diện thương hiệu?

         Kiến trúc có nhiều nét không giống các môn nghệ thuật khác như âm nhạc hay hội họa... Nếu như tác phẩm âm nhạc hay hội hoạ là kết tinh sự sáng tạo của người nghệ sỹ thì công trình kiến trúc là một sản phẩm tổng hợp của nhiều yếu tố xã hội, khoa học kỹ thuật... Với tôi, một sản phẩm kiến trúc thành công thì trước hết phải là giải pháp ghi dấu được địa điểm và phù hợp nhất với công năng và đối tượng sử dụng công trình.

         Điều chúng tôi theo đuổi không phải một cái riêng tạo ra cho mình mà tạo ra những nét riêng trong từng dự án. Làm sao khiến cho người khác khi nhìn vào dự án thấy được cái độc đáo, khác lạ. Bất kỳ dự án nào khiến người ta quan tâm, tìm thấy những câu chuyện, có gì đó cho họ nghĩ ngợi, đặt câu hỏi và khiến họ tò mò tìm hiểu và nhận ra TONA. Đó là cái định hướng mà chúng tôi sẽ theo đuổi để tạo ra nét riêng.

Chị kỳ vọng gì ở những dự án TONA thực hiện?

         Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi, những người lao động chân chính là được làm nghề chân chính, sống cống hiến, có được những sản phẩm nghề có ích. Chúng tôi luôn mong muốn được tham gia vào những dự án thật, dù lớn hay nhỏ nhưng việc được kết hợp cùng Chủ đầu tư để đưa một ý tưởng trên giấy ra thực tế là một hạnh phúc thực sự.

Kiến trúc sư thường là những con người cá tính và có cái “Tôi” lớn. Vậy điều gì khiến chị gắn kết được họ thành một tập thể mạnh?

         Mỗi chúng tôi đều hiểu được 'cái tôi' của mình là gì, sử dụng khi nào, và sử dụng như thế nào. Một môi trường dành cho những người muốn làm việc đã gắn kết chúng tôi. Sản phẩm thiết kế của TONA là sản phẩm của tập thể hướng đến những không gian đẹp, hữu ích là lời giải hợp lý cho bài toán nhiệm vụ đã đặt ra. Cảm giác mình đang sống và được làm việc thật dễ chịu và cũng đáng tự hào, vậy thôi.

PV Đăng Huỳnh - Tạp Chí VLXD

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận