Bài viết

Nhìn nhận vai trò của nhà quy hoạch trong trang trí đô thị tại Việt Nam

Có nhiều định nghĩa về quy hoạch đô thị và việc thực hành này được thực hiện ở mỗi quốc gia khác nhau theo điều kiện thực tế, song nhìn chung quy hoạch đô thị là để giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội, đó là phạm vi hoạt động gồm nhiều bộ môn nhằm tạo trong thời gian một sự bố trí có trật tự về không gian bằng cách tìm sự hài hoà và hiệu quả. Hội quy hoạch Hoa Kỳ định nghĩa quy hoạch “là một lĩnh vực chuyên môn luôn biến đổi và có tính mục đích nhằm nâng cao chất lượng sống và hạnh phúc của con người, cộng đồng bằng việc tạo ra không gian sống thuận tiện, bình đẳng, tốt cho sức khỏe, hiệu quả và hấp dẫn cho thế hệ hôm nay và mai sau”. Trong bài nói chuyện tại lễ trao giải thưởng của Hội Quy hoạch Singapore của ông Lưu Thái Cơ, người được coi là quy hoạch sư đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố Singapore hiện đại, ông xếp loại 4 nhà quy hoạch như sau: Thấp nhất là kiểu “nhà trang trí đô thị” (tập trung vào hình thức thay vì nội dung); khá hơn là “nhà cơ khí đô thị” tức là có khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể; quan trọng hơn là “bác sỹ đô thị” - người có thể chuẩn đoán bệnh của đô thị và tìm ra bài thuốc trị tận gốc để đô thị phát triển lành mạnh; và “nhà tiên tri đô thị” - người có tầm nhìn chiến lược và dài hạn cho sự phát triển của một thành phố. Để có thể chuẩn đoán, trị bệnh và tiên tri sự phát triển, một trong những nguyên tắc cơ bản là không hời hợt theo các xu hướng mà tập trung tìm các giải pháp cho chính những vấn đề của mình. Với các cách hiểu trên, quy hoạch đô thị bao gồm hai phần: Phần nổi là phần vật chất mà chúng ta nhìn thấy trong đô thị và phần chìm là chiến lược, chính sách, vận dụng tài chính, nhân lực, v.v… Phần vật chất là biểu hiện của phần chìm, các nhà thiết kế đô thị thao tác trên phần vật chất đô thị làm nên hình ảnh đô thị biểu hiện yếu tố văn hoá, nhu cầu và khát vọng của cộng đồng người sinh sống trong đô thị tại thời kỳ đó. Đô thị không phải là một đối tượng thiết kế mà là một tiến trình kinh tế xã hội và yếu tố thẩm mỹ đô thị phải thể hiện được điều này.

Những năm gần đây, trong bối cảnh có những thay đổi mạnh mẽ của chiến lược phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, với nỗ lực sử dụng mọi nguồn lực để hội nhập thế giới, cùng thuận lợi có thể du nhập mọi thứ từ việc mở cửa và sự phát triển của nền công nghệ thông tin tiên tiến, hình ảnh các đô thị Việt Nam (đặc biệt là các đô thị lớn) thay đổi nhanh chóng, việc trang trí đô thị được quan tâm, trở thành công cụ hữu hiệu để tạo dựng những hình ảnh mới, lung linh, hoành tráng với mong muốn định vị trên trường quốc tế.

Để có được cái nhìn chính xác về vai trò của các nhà quy hoạch Việt Nam trong tạo dựng hình ảnh đô thị, cùng nhìn nhận tình hình thực hành quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị của chúng ta. Ngược dòng lịch sử, quy hoạch được người Pháp du nhập vào Việt Nam để xây nên những thành phố thuộc địa hoành tráng (tham khảo ‘Lịch sử Hà Nội’ của Phillipe Papin). Trong bối cảnh không có kinh tế thị trường, nền quy hoạch của Liên Xô xuất khẩu sang Việt Nam cũng đậm tính “hoành tráng” để thể hiện quyền lực của chính quyền (xem nghiên cứu của William Logan). Sau đó, khi bắt đầu mở cửa, chúng ta lại choáng ngợp trước sự phát triển nhanh chóng của thế giới, mong muốn hội nhập trở nên mãnh liệt, hơn nữa, tư duy ‘hoành tráng’ vốn là một trong những nền tảng quan trọng có được từ nền giáo dục cũ, các nhà quy hoạch sư Việt Nam không mấy khó khăn để vẽ ra các đô thị khang trang, to đẹp từ quy dân số, quy mô đất đai đến các khu trung tâm đô thị mới tương đối mênh mông theo dự báo để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị 10 năm, 20 năm và có tầm nhìn đến tận 50 năm. Theo đó, chúng ta không mấy khó hiểu khi gặp trên các quảng trường công cộng những ‘bông sen’ khổng lồ, sáng choang, những con phố lung linh đầy hoa và lá kích sù, phát sáng dị thường, con người trở nên nhỏ bé trong không gian sống của mình, vào mỗi dịp lễ hội, kỷ niệm chúng ta lại được lạc vào không gian thần tiên của một thế giới khổng lồ nào đó. Mải theo đuổi hình ảnh ‘hoành tráng’ các nhà trang trí dễ sa đà vào hình thức, kích cỡ của tác phẩm hơn là tính hợp lý, khả năng vận hành (trong điều kiện tự nhiên, văn hoá xã hội của từng nơi chốn) cũng như triết lý và mô hình tổ chức xã hội (những yếu tố gần gũi, quen thuộc đôi khi trở nên khác lạ và không thể liên hệ được), và đặc biệt chưa thật sự quan tâm đến việc đặt các tác phẩm đó của mình ở đâu cho phù hợp (khi thực hiện thiết kế tác giả bỏ qua những yếu tố lân cận có tác động và ảnh hưởng đến hình ảnh nơi chốn đang được trang trí), những yêu cầu quan trọng của đời sống thường nhật vẫn chưa được quan tâm đúng mức làm cho sản phẩm trang trí tiềm ẩn nhiều rủi ro khi vận hành trong đời sống đô thị.

Đô thị là một tiến trình, bởi vậy hầu hết các giá trị quan trọng nhất của một thành phố thường ẩn náu trong dòng cuộc sống thường nhật, được che phủ bởi lớp bụi thời gian làm nên đặc điểm nhận dạng. Trong khi đó, thiết kế đô thị đang được thực hành chủ yếu thao tác trên phần vật chất của đô thị. Thực tại, phần vật chất này đã và đang bị thay đổi nhanh chóng dưới quá nhiều yếu tố tác động (đặc biệt là tác động từ việc du nhập, giao lưu, giao thoa văn hoá trong thời kỳ hội nhập), phần nổi của đô thị đôi khi không phản ánh đúng phần chìm. Vì vậy, đôi khi các nhà quy hoạch, các nhà trang trí đô thị không đủ dữ liệu để có được phần ‘cốt lõi’, là cơ sở cho giải pháp, đó là lý do ta nhận thấy các thiết kế đô thị gần đây bị thiếu hụt phần ‘hồn’, không chuyển tải nhiều thông tin ý nghĩa, chưa gây được cảm xúc cho cư dân trong cộng đồng và những người cảm thụ không gian. Thỉnh thoảng người ta quên mất những hình ảnh đã gắn vào tiềm thức, ví dụ như cái đẹp của phố cổ Hà Nội là một tổng thể đậm đặc được tạo nên từ rất nhiều vật thể nhỏ bé đã đi vào thi ca nhạc hoạ và cả lịch sử…, và còn nhiều nhiều yếu tố quen thuộc kiểu thế này đã bị lãng quên trong lúc các nhà trang trí đô thị thực hành trên nền hiện trạng nhiều biến đổi với nhiệm vụ chính là cập nhật, hiện đại để hoà nhập. Trong thiết kế đô thị, có một khái niệm mà giờ đây đã trở thành cốt lõi đó là kiến tạo nơi chốn (place-making), theo đó, thiết kế đô thị có thể hỗ trợ cho việc phát triển đô thị thông qua các yếu không gian đô thị và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội. Là một xu hướng đúng đắn tuy nhiên đòi hỏi sự kỹ lưỡng trong việc điều tra khảo sát, đánh giá, nhận dạng hiện trạng; kiến thức uyên bác về lịch sử hình thành phát triển đô thị, nắm bắt được quy luật phát triển; các kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao có được từ nền giáo dục tiến bộ; … Đây thực sự là vấn đề không đơn giản, cần thời gian thực hành, cần sự đào tạo căn bản để đổi mới tư duy, từ đó trang trí đô thị thể hiện được đúng bản chất, ý đồ, tư tưởng của các nhà quy hoạch có chiến lược.

Yếu tố thẩm mỹ cần phản ánh được ‘hồn’ của nơi chốn, thiết kế đô thị là ‘make-up’ (trang điểm): khắc phục nhược điểm, tôn lên vẻ đẹp sẵn có và đặc biệt là phù hợp với bối cảnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng và cảm thụ không gian. Biểu lộ đầu tiên là sự hiện diện của các vật thể mang chức năng trong không gian công cộng, khái niệm ‘trang thiết bị đô thị’ được sử dụng chính thức vào cuối thế kỷ XX, là một trong những công cụ thể hiện các sản phẩm trang trí đô thị. Trang thiết bị đô thị ngày càng được “ưu ái” hơn trong thiết kế đô thị, thậm chí còn góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị. Nói đến đường phố London của Anh gợi nhớ đến các cabin điện thoại màu đỏ, đường phố Paris của Pháp ghi dấu ấn bởi các lối vào tàu điện ngầm với trang trí hoa lá bằng thép rèn hay gang đúc, đường phố Barcelona của Tây Ban Nha là các cột đèn trên trục đại lộ chính theo phong cách của KTS Atoni Gaudi, … và còn nhiều ví dụ điển hình khác về trang thiết bị đô thị ở các đô thị nổi tiếng khác. Ở Việt Nam hiện nay, thiết kế đô thị bắt đầu quan tâm về vấn đề này, tuy nhiên khi thực hành đã gặp khó khăn về pháp lý và sự phối hợp liên ngành. Thực tế, các trang thiết bị đô thị được xuất hiện trong các dự án lớn thuộc về chuyên ngành giao thông công chính, bưu điện, chiếu sáng, cây xanh,… không thuộc về dự án quy hoạch. Các trang thiết bị đô thị được đầu tư để đảm bảo chức năng nhưng chưa quan tâm đến thẩm mỹ với “hàm lượng” thiết kế thấp, không thể hiện đặc trưng từng khu vực đô thị, ta có thể bắt gặp ở mọi đô thị Việt Nam, một kiểu ghế đá, nhà chờ xe buýt, cột đèn chiếu sáng, thậm chí cả đài phun nước, tượng,… của cùng một nhà cung cấp thiết bị. Đây cũng là vấn đề lớn, cần thời gian và cần một cuộc cách mạng trong tư duy cũng như sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật để việc thực hành thiết kế đô thị, trang trí đô thị đảm bảo bản chất là một thao tác trên phần nổi để thể hiện phần chìm của đô thị và việc sử dụng trang thiết bị đô thị thật sự là một công cụ trong thiết kế đô thị.

Trên đây, là tổng hợp tóm tắt chia sẻ của tác giả với những băn khoăn chung của xã hội thời gian vừa qua về vai trò của nhà quy hoạch trong trang trí đô thị với mong ước được sống ở một nơi đáng yêu, đáng nhớ và đáng gắn bó - một nhu cầu rất con người. Cốt cách của cư dân tạo nên tinh thần một thành phố mà do đó sống ở một thành phố có ‘hồn’ làm chúng ta trở nên tử tế hơn. Chả thế mà ngài Wilson Churchill – một trong những thủ tướng kiệt xuất trong lịch sử nước Anh, đã nghiệm ra rằng: “Chúng ta dựng nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”.

KTS. Phạm Vũ Thương Nhung.

 

 

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục:

Viết Bình luận